Viêm tai giữa

Viêm tai giữa (VTG) ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là một trong những bệnh rất thường gặp ở bên trong tai trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi với nhiều hậu quả xấu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng đắn, đóng vai trò quyết định trong tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng và các hậu quả lâu dài đối với trẻ.

Tai giữa

Cơ thể học của tai

Tai được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong

1. Tai ngoài: Gồm vành tai và ống tai ngoài.

2. Tai giữa: Gồm màng tai và một hốc xương gọi là hòm tai. Màng tai (còn gọi là màng nhĩ – tympanic membrane) là một màng mỏng hình bầu dục, lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa, bịt lên hòm tai như màng trống bịt vào tang trống. Màng tai tuy có lớp xơ ở giữa tương đối chắc, nhưng lại rất dễ bị phá hủy gây thủng khi có viêm nhiễm hoặc ứ đọng dịch trong tai giữa. Màng tai cũng dễ bị rách thủng khi có các chấn thương cơ học (chọc, ngoáy vào tai), chấn thương áp lực (lặn sâu, bị tát vào tai, sức ép do bom đạn…) hoặc chấn thương âm.

Trong hòm tai có các xương con nối khớp với nhau rất tinh tế (xương búa (malleus), xương đe (incus), xương bàn đạp (stapedius)). Màng nhĩ và các xương con hợp thành hệ thống màng nhĩ – xương con có tác dụng khuyếch đại và dẫn truyền những rung động của sóng âm từ môi trường (ống tai ngoài) vào tai trong.

3. Tai trong: Chính là đầu mối thần kinh tiếp nhận các tín hiệu âm thanh truyền qua dây thần kinh thính giác (dây số VIII) lên não, và nhờ đó mà người ta nghe được. Tai trong nằm trong một hốc xương có hình xoắn 2 vòng rưỡi nên gọi là ốc tai.

Tai giữa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế sinh lý nghe, nhất là hệ thống màng nhĩ – xương con. Bất kỳ một trục trặc nào trong hệ thống này (thủng màng nhĩ, cứng khớp giữa các xương con, tiêu hỏng 1 trong các xương con, ứ đọng dịch trong hòm tai…) đều gây nên gián đoạn sự dẫn truyền sóng âm vào tai trong và dẫn đến nghe kém hoặc điếc.

Viêm tai

Màng nhĩ của tai bị viêm giữa

Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm tai mà thành. Do đặc điểm giải phẫu và sinh lý của trẻ em có nhiều điểm khác biệt với người lớn, nên trẻ em thường hay bị VTG cấp hơn:

  • Trẻ em hay bị viêm mũi họng, vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm này lan lên tai gây nên VTG.
  • Ở trẻ em, vòi nhĩ (vòi Ơ-xtat (eustachian tube), nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng, nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai.
  • Hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản…) ở trẻ em rất nhạy cảm, rất dễ phản ứng với những kích thích hóa, lý và cơ học bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai gây VTG.

Mức độ nguy hiểm của bệnh

VTG cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ…) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.[1]

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng: VTG cấp có thể dẫn đến những biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số VII).

Phát hiện và điều trị

Cách phát hiện

VTG ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt, thường là sốt cao 39-40oC, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật…
  • Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.
  • Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Tóm lại tất cả các em bé bị sốt không rõ nguyên nhân, những trẻ nhỏ bị tiêu chảy và nôn… đều phải được khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh VTG cấp.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau:

  • Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.
  • Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.
  • Không kêu đau tai nữa.

Các bà mẹ tưởng chừng như bệnh đã lui nhưng thực ra VTG đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với 1 dấu hiệu rất quan trọng: chảy mủ tai.

Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành VTG mạn tính hoặc viêm tai – xương chũm mạn tính, dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu sau này cho trẻ, cùng với nguy cơ biến chứng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Điều trị

Việc chẩn đoán và điều trị VTG ở trẻ nhỏ nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm tiến hành. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà có cách điều trị khác nhau.

  • Giai đoạn đầu, khi màng nhĩ chưa thủng, thường phải dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm và giảm xung huyết màng nhĩ, sát trùng mũi họng. Ngoài ra nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng thì cần được phối hợp điều trị bởi các thầy thuốc nhi khoa. Nếu khám thấy màng nhĩ viêm đỏ, phồng, chứng tỏ có nhiều dịch viêm ứ đọng ở hòm tai thì phải chích rạch màng nhĩ, chủ động tháo bỏ dịch mủ trong tai giữa ra ngoài, không nên để cho mủ tự vỡ, làm thủng màng nhĩ hoặc lan vào xương chũm. Nói chung, trong trường hợp nghi ngờ có mủ thì nên chích rạch màng nhĩ sớm, thà chích rạch sớm còn hơn là chích rạch quá muộn. Vết chích sẽ tự liền lại rất nhanh sau 1-2 ngày.
  • Giai đoạn muộn, màng nhĩ đã thủng; ngoài các thuốc điều trị toàn thân, cần phải tiến hành làm thuốc tai hàng ngày tại các cơ sở tai mũi họng. Trẻ sau đó phải được theo dõi tình hình lỗ thủng màng nhĩ bởi các thầy thuốc chuyên khoa.